Tiểu sử Khổng_Tử

論語·為政Luận ngữ - Vị chính
三十而立,Tam thập nhi lập,30 tuổi có thể tự lập,
四十而不惑,Tứ thập nhi bất hoặc,40 tuổi không còn nghi hoặc,
五十而知天命,Ngũ thập nhi tri thiên mệnh,50 tuổi có thể biết được thiên mệnh,
六十而耳順,Lục thập nhi nhĩ thuận,60 tuổi không còn thấy chuyện gì lạ,
七十而從心欲不踰矩。Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ.70 tuổi có thể nghĩ và làm không trái phép, không để dục vọng chi phối.
Tranh Khổng Tử của Mã Viễn đời Tống
Tượng Khổng Tử tại Berlin, Đức phía dưới có khắc lời trích từ Luận ngữ "Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân" bằng tiếng Đức.
Tranh vẽ năm 1770
Tượng tại Khổng miếu Bắc Kinh
Hà chính mãnh vu hổ
Khổng Tử giáo học đồ

Thời ấu thơ

Khổng Khâu sinh trưởng tại ấp Trâu, thôn Xương Bình, nước Lỗ[12] (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa) cuối thời Xuân Thu. Nhiều sử ký nói rằng ông là con của một gia đình nghèo, nhưng cụ tổ ba đời vốn cũng thuộc dòng quý tộc đã sa sút từ khi nước Tống di cư đến nước Lỗ.

Cha ông là Khổng Hột lấy bà Nhan Chinh Tại mà sinh ra ông. Năm lên ba, Khâu mồ côi cha. Bà Nhan Chinh Tại lúc đó mới 20 tuổi không sợ khó khăn vất vả đã đưa Khổng Tử đến sống ở Khúc Phụ, thủ phủ nước Lỗ, mong ông được sống và lớn lên trong một điều kiện tốt hơn. Khi lớn lên, ông phải làm lụng vất vả để giúp đỡ mẹ, nhưng rất ham học. Ông từng nói "... Lúc nhỏ bị nghèo hèn, ta phải làm nhiều nghề nên biết được nhiều việc nhỏ mọn. Người quân tử cần biết nhiều như vậy không? Không cần biết nhiều nghề như vậy.[13]". Năm ông 16 tuổi thì mẹ qua đời, Khổng Tử từ đó sống một cuộc sống thanh bạch, hàng ngày vẫn chăm chỉ học hành, mong muốn thực hiện được ước vọng của mẹ.

Làm quan

Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho chuyên quản lý kho tàng, xuất nạp tiền lương công bằng chuẩn xác. Ông cũng từng đảm nhiệm chức quan nhỏ chuyên quản lý nông trường chăn nuôi, súc vật sinh trưởng rất tốt. Nhờ vậy ông được thăng chức lên làm quan Tư không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình. Năm 21 tuổi, Đức Khổng Tử được cử làm chức Ủy Lại, một chức quan nhỏ coi việc sổ sách của kho lúa, cùng là cân đo và gặt lúa. Sau đó, qua làm chức Tư Chức Lại, coi việc nuôi bò, dê, súc vật dùng trong việc tế tự.

Năm 22 tuổi, ông lập trường giảng học và thường được các môn đồ gọi bằng phu tử. Năm 25 tuổi thì ông chịu tang mẹ. Năm 29 tuổi, ông học đàn với Sư Tương ở nước Lỗ.

Năm 30 tuổi, Khổng Tử muốn đến Lạc Dương, kinh đô nhà Chu, để nghiên cứu về nghi lễ, chế độ miếu đường, nhưng vì nhà nghèo, không đủ tiền lộ phí, đành than thở mà thôi. Học trò là Nam Cung Quát nghe vậy, liền về tâu với Lỗ Chiêu Công. Vua liền ban cho ông một cỗ xe song mã và vài quân hầu cận để đưa Khổng Tử và Nam Cung Quát đi Lạc Dương. Đến nơi, Khổng Tử quan sát nhà Tôn miếu, nhà Minh đường, khảo cứu luật lệ và thư tịch đời cổ, đi xem Giao đàn là nơi nhà vua tế Thiên Địa và Tinh tú, rồi đến Xã đàn là nơi vua tế Thần Nông và Thần Hậu Thổ. Nơi nào có quan hệ đến việc tế lễ thì ông đến quan sát và hỏi han cho tường tận.

Khổng Tử ở Lạc Dương khảo sát các việc xong thì trở về nước Lỗ. Từ đó, sự học của ông càng rộng hơn nhiều nên học trò xin theo học càng lúc càng đông. Nhưng vua Lỗ vẫn chưa dùng ông vào việc nước. Được mấy năm, trong nước Lỗ, Quý Bình Tử khởi loạn. Ông theo Lỗ Chiêu Công tạm lánh sang nước Tề. Tề Cảnh Công mời ông tới để hỏi việc chính trị và rất khâm phục, muốn đem đất Ni Khê phong cho ông, nhưng quan Tướng quốc nước Tề là Yến Anh ngăn cản không cho. Năm sau, ông trở về nước Lỗ lo việc dạy học, và nghiên cứu cho tường tận Đạo học của Thánh hiền. Lúc đó ông được 36 tuổi.

Ngao du

Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng và tìm người dùng các tư tưởng đó. Có nơi ông được trọng dụng nhưng cũng có nơi ông bị coi thường. Khổng Tử cùng các học trò đi qua các nước: Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở, mong thuyết phục các vua chư hầu chịu đem Đạo của ông ra ứng dụng để đem lại thái bình cho dân chúng. Nhưng Đạo của ông là Vương Đạo (đạo trị quốc) nên đi ngược ý đồ Bá Đạo (đạo chinh phạt) của các vua chư hầu và quyền lợi của các quan Đại phu nên các vua chư hầu đều không dám dùng ông. Ông từng cảm thán "Ai mà không phải đi qua cửa rồi mới rời khỏi nhà ? Vậy mà tại sao không có ai đi theo đạo này ?[14]". Khi bị vây ở đất Khuông, Khổng Tử nói "Sau khi vua Văn Vương mất, tất cả mọi văn hóa, lễ nhạc đều không phải ở nơi ta cả ư ? Nếu trời muốn cho nền văn hóa này mất đi, thì sao khi vua Văn Vương chết, lại ủy thác cho ta nắm giữ nền văn hóa này làm gì ? Còn nếu trời đã không muốn để mất nền văn hóa này, thì người Khuông kia làm gì được ta ?"[15]. Sau 14 năm đi chu du các nước không thành công, ông trở về nước Lỗ, có quan Đại Phu Quý Khang tử sai Công Hoa ra đón ông. Phu nhân của Khổng Tử là bà Thượng Quan đã mất trước đó một năm. Các học trò của ông nói về giai đoạn ông đi các nước truyền bá đạo học:

Tử Cầm hỏi Tử Cống rằng "Thầy Khổng Tử của chúng ta mỗi khi đến một nước nào đều được tham dự vào công việc chính sự của nước đó. Đây là do thầy chúng ta yêu cầu hay do người ta chủ động mời thầy ?"Tử Cống nói: "Thầy chúng ta có đức tính ôn, lương, cung, kiệm, nhường, nên mới được vinh dự đặc biệt đó. Phương pháp đề xuất yêu cầu được tham gia chính sự của thầy chúng ta hoàn toàn khác với phương pháp xin việc của người khác."[16] (Luận ngữ)

Đến năm thứ 9 đời vua Lỗ Định công, ông được 51 tuổi, được vua Lỗ mời ra làm quan, phong cho chức Trung Đô Tể lo việc cai trị ở Ấp Trung Đô, tức là đất Kinh thành. Một năm sau, bốn phương lấy chính sự của ông làm khuôn mẫu. Năm Lỗ Định Công thứ 10 (500 TCN), ông phò vua Lỗ đi phó hội với Tề Cảnh Công ở Giáp Cốc. Nhờ tài ngôn luận và ứng đáp kịp thời, vua Tề rất khâm phục và trả lại cho nước Lỗ ba khoảnh đất ở Quy Âm mà Tề đã chiếm của Lỗ từ mấy năm trước.

Qua năm sau, Đức Khổng Tử giữ chức Tư Không, rồi thăng lên Đại Tư Khấu (Hình Bộ Thượng thư) coi việc hình án. Ông đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc, định việc tống táng, lớn nhỏ có trật tự, trai gái không lẫn lộn, gian phi trộm cắp không còn nữa, xã hội được an bình thịnh trị. Sau 4 năm, Lỗ Định Công phong ông lên làm Nhiếp Tướng Sự (Tướng Quốc), coi việc Chính trị trong nước. Ông cầm quyền được 7 ngày thì tâu với vua Lỗ xin giết gian thần Thiếu Chính Mão để chỉnh đốn quốc chính. Ông chỉnh đốn kỷ cương trong nước, dạy dân những điều lễ, nghĩa, liêm, sỉ, nên dân không còn nhiễu loạn mà chính trị mỗi ngày một tốt lên. Sau ba tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị.

Nước Tề thấy nước Lỗ mạnh lên, có ý lo ngại. Vua Tề theo kế, lập ra Bộ Nữ Nhạc mà đem dâng vua Lỗ. Khổng Tử biết vua Tề có ý dùng chuyện hưởng lạc để làm suy bại chính sự nước Lỗ nên khuyên Lỗ Định công đừng nhận, nhưng Định công không nghe. Quả nhiên vua Lỗ sau khi nhận Bộ Nữ Nhạc sinh ra lười biếng mà chán ghét Khổng Tử. Lỗ Định công không nghe lời can gián của Khổng Tử, bỏ bê việc triều chính, có khi luôn 3 ngày không ra coi triều, mọi việc đều giao cả cho quyền thần. Khổng Tử can gián vua Lỗ nhiều lần nhưng không được, chán nản xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu. Đạo làm quan của ông thể hiện qua lời ông nói với Nhan Hồi "Dùng ta thì ta giúp làm nên sự nghiệp, không dùng thì ta ở ẩn. Chỉ có ta và ngươi có thể làm được điều này mà thôi.[17]". Khi đến nước Vệ, vua Vệ Linh Công hỏi Khổng Tử về việc chiến trận. Khổng Tử thưa rằng "Về lễ nghĩa thì tôi thường được nghe, còn việc đánh nhau thì tôi chưa từng được học bao giờ". Ngày hôm sau, Khổng Tử rời nước Vệ. Khi đến nước Trần, do không được cấp lương thực, học trò theo Khổng Tử đều bị đói và ốm đau, lê không nổi. Tử Lộ buồn bã đến gặp Khổng Tử nói "Người quân tử cũng có lúc cùng khốn phải không?". Khổng Tử nói "Người quân tử gặp khi cùng khốn thì cố giữ gì chịu đựng, kẻ tiểu nhân gặp khi cùng khốn thì sẽ sinh ra lạm dụng làm liều".[18] Ông cả đời đi khắp thiên hạ để truyền bá tư tưởng của mình nhưng giới cầm quyền các nước chư hầu thời bấy giờ chẳng ai muốn áp dụng đạo trị quốc của ông. Khổng Tử nói với Tử Cống rằng "Ta không oán trời, không trách người, ta học việc người từ nơi thấp cạn mà hiểu được lẽ trời là nơi cao siêu. Hiểu ta may ra chỉ có trời!"[19]. Đương thời mọi người đều biết ông là người kiên định với lý tưởng của mình, là người biết chủ trương của mình không thực hiện nổi mà cứ cố làm[20].

Viết sách

Năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Ông cũng chỉnh lý lại các bản nhạc nước Lỗ khiến cho nhạc nhã và nhạc tụng mỗi loại có vị trí thích đáng của nó[21]. Có thể nói Khổng Tử là người thầy tư nhân chuyên thu nhận học trò đầu tiên trong lịch sử giáo dục Trung Quốc. Trước thời ông, trường học hoàn toàn là của triều đình và thường chỉ thu nhận con em của gia đình quý tộc. Khổng Tử sáng lập ra trường học tư, thu nhận nhiều đồ đệ bất kể xuất thân sang hèn, đưa giáo dục mở rộng cho bình dân, đem tri thức văn hóa truyền bá cho dân gian, có cống hiến thật to lớn đối với giáo dục thời cổ đại. Tổng số môn đệ của Khổng Tử có lúc lên tới 3.000 người (Tam thiên đồ đệ), trong đó có 72 người được liệt vào hạng tài giỏi, nên gọi là Thất thập nhị hiền. Trong số học trò của Khổng Tử, Nhan Hồi là người hiếu học nhất nhưng không may chết sớm[22]. Khổng Tử nói "Nhan Hồi ư! Lòng dạ của trò ấy trong ba tháng không lúc nào xa rời đạo nhân. Các trò khác không được như vậy, chỉ là ngẫu nhiên làm việc nhân thôi.[23]". Nhan Uyên, một học trò của Khổng Tử, ngậm ngùi than rằng "Đạo của thầy càng ngước trông lên càng thấy cao, càng nỗ lực nghiên cứu càng thấy sâu. Mới chiêm nghiệm thấy ở phía trước, đột nhiên lại hiện phía sau lưng. Thầy khéo dẫn dắt dần từng bước trước sau giảng cho ta thấu triệt. Thầy dùng đủ loại văn chương, làm cho tri thức của ta thêm phong phú, lại biết dùng lễ tiết để đưa hành vi của ta dần vào khuôn phép, khiến cho mình dù muốn thôi cũng không thôi được, đã đua hết tài lực ra học thế mà vẫn trông thấy đạo của thầy ta như đang đứng sững trước mặt. Ta dẫu muốn theo đến cùng, mà vẫn không tài nào đạt được như yêu cầu của thầy ta.[24]". Khổng Tử nói về hoạt động dạy học của ông "Ta chẳng gặp được người đạt mức trung dung để truyền đạo nên buộc lòng phải tìm đến hạng cuồng giả, quyến giả. Cuồng giả có tinh thần tiến thủ mãnh liệt. Quyến giả biết giữ lòng ngay thẳng, không bao giờ làm chuyện bất nghĩa."[25].

Năm 69 tuổi, ông bắt tay vào việc hiệu đính các cổ thư bị tản nát, nhiều chỗ không rõ ràng, dễ bị thất truyền hoặc khiến người đời sau nhầm lẫn. Do vậy, Khổng Tử thực hiện san định lại các kinh sách của Thánh hiền đời trước, lập thành 6 cuốn sách: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu. Mỗi cuốn lại nói về một vấn đề khác nhau, từ thi ca, nghi lễ, bói toán cho tới sử học. Khổng Tử nói "Ta chỉ thuật lại mà không sáng tác. Ta tin tưởng và hâm mộ văn hóa cổ. Ta trộm ví mình như Lão Bành."[26] Việc Khổng Tử tự mình biên soạn 6 bộ sách đã thể hiện hiểu biết sâu rộng và tinh thần làm việc miệt mài của ông, có thể coi đây là một dạng Bách khoa toàn thư đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. 6 cuốn sách này gồm:

  1. Kinh Thi (詩經 Shī Jīng): Sưu tầm các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử. Khổng Tử san định thành 300 thiên nhằm giáo dục mọi người tình cảm trong sáng lành mạnh và cách thức diễn đạt rõ ràng. Một lần, Khổng Tử hỏi con trai "Học Kinh Thi chưa ?", nó đáp "chưa". Khổng Tử nói "Không học Kinh Thi thì không biết nói năng ra sao" (sách Luận ngữ).
  2. Kinh Thư (書經 Shū Jīng): Lưu lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn chứ đừng tàn bạo như Kiệt, Trụ.
  3. Kinh Lễ (禮記 Lǐ Jì): Chép các lễ nghi thời trước. Khổng Tử hiệu đính lại mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự xã hội. Khổng Tử nói: "Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời" (sách Luận Ngữ).
  4. Kinh Dịch (易經 Yì Jīng): Nói về các tư tưởng triết học Trung Hoa dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái... Đời Chu, Chu Văn Vương đặt tên và giải thích các quẻ của bát quái gọi là Thoán từ. Chu Công Đán giải thích chi tiết nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ gọi là Hào từ. Kinh Dịch thời Chu gọi là Chu Dịch. Khổng Tử giảng giải rộng thêm Thoán từ và Hào từ cho dễ hiểu hơn và gọi là Thoán truyện và Hào truyện.
  5. Kinh Xuân Thu (春秋 Chūn Qiū): Chép các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê của Khổng Tử. Khổng Tử không chỉ ghi chép như một sử gia mà theo đuổi mục đích trị nước nên ông chọn lọc các sự kiện, ghi kèm các lời bình, sáng tác thêm lời thoại để giáo dục các bậc vua chúa.
  6. Ngoài ra còn có Kinh Nhạc bàn về nhạc thuật và nhạc khí, nhưng nguyên bản đã bị thiêu hủy trong Chiến tranh Hán-Sở, chỉ còn đôi chút làm thành một thiên trong Kinh Lễ, gọi là Nhạc ký. Tuy nhiên, giới học giả cũng cho rằng, so với 5 cuốn còn lại thì sách này có phẩm chất thấp nhất.

Tựu trung, 6 cuốn sách chỉ còn lại 5 mà hậu thế gọi là Ngũ kinh. Hiện nay, Ngũ kinh giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong các tác phẩm cổ điển Trung Hoa, nhờ có nó mà tới 2.500 năm sau người ta vẫn hiểu biết tường tận về đời sống của đời thái cổ. Trong 6 cuốn sách, Khổng Tử chú các lời nói của Thánh hiền đời trước, xếp đặt lại cho có thứ tự, chú thích những chỗ khó hiểu, nhất là với Kinh Dịch, ông chú giải rất kỹ. Sau đó, Khổng Tử viết ra Kinh Xuân Thu, chép những việc của nước Lỗ và của nhà Chu liên hệ với các nước chư Hầu từ đời Lỗ Ẩn Công nguyên niên (721 trước Tây lịch) đến đời Lỗ Ai Công thứ 14 (481 TCN), tổng cộng là 242 năm. Khổng Tử thấy thời thế loạn lạc, chính đạo mờ mịt, các tà thuyết dấy lên, những sự hung bạo rất nhiều, con giết cha, bề tôi phản nghịch, cho nên ông lấy làm lo sợ mà làm ra sách Xuân Thu, để định sự chính danh, thưởng phạt theo đạo lý. Đây là cuốn kinh mà Khổng Tử tâm đắc nhất, là một trong những tác phẩm sử học đầu tiên của Trung Hoa, trước cả Sử ký.

Xem hình thể bề ngoài thì Kinh Xuân Thu là một bộ sử biên niên, lời lẽ vắn tắt, lắm chỗ hình như không có ý nghĩa gì cả, nhưng xét rõ đến tinh thần thì là bộ sách triết lý về việc chính trị. Phép của Kinh Xuân Thu là trị kẻ gian ác, dù còn sống hay chết rồi, trị ngay đến bản thân, cốt để răn kẻ ác, khuyến khích trung nghĩa, còn đến con cháu xa thì là để khuyến thiện, bỏ ác theo thiện. Khổng Tử đã vận dụng bút pháp để khen chê, để phân biệt người thiện kẻ ác hết sức minh bạch và đanh thép, nên người đời sau gọi đó là những búa rìu giáng lên kẻ gian tà, răn đe chúng suốt ngàn đời sau:

Trong kinh Xuân Thu, được một chữ khen thì vinh hơn cái áo hoa cổn vua ban, bị một chữ chê thì nhục hơn phải tội rìu búa (Nhứt tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhứt tự chi biếm, nhục ư phủ việt)Từ khi Khổng Tử nêu cao cái nghĩa trong Kinh Xuân Thu, bọn loạn thần tặc tử trong thiên hạ đều phải khiếp sợ (Khổng Tử tác Xuân Thu nhi loạn thần tặc tử cụ).

Cuối đời

Mùa Xuân năm Lỗ Ai công thứ 14 (481 TCN), tương truyền người nước Lỗ đi săn bắt được một con kỳ lân què chân trái phía trước. Đức Khổng Tử đến xem rồi bưng mặt khóc, ông than rằng: "Ngô đạo cùng hĩ!" (Đạo của ta đến lúc cùng). Sách Xuân Thu chép đến đây thì hết, nên đời sau còn gọi sách Xuân Thu là Lân kinh.

Năm Nhâm Tuất đời Lỗ Ai Công thứ 17 (479 TCN), một hôm Khổng Tử chống gậy đi tản bộ trước nhà, vừa đi vừa hát: "Thái sơn kỳ đồi hồ! Lương mộc kỳ hoại hồ! Triết nhân kỳ nuy hồ! (Núi Thái sơn đổ ư! Cây gỗ tốt hư hoại ư! Triết nhân mòn mỏi ư!)" Học trò của ông là Tử Cống liền đến hỏi thăm, ông nói: "Ta biết mình sắp chết". Đến ngày Kỷ Sửu, tức là ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất (tháng 4 năm 479 TCN) Khổng Tử tạ thế, hưởng thọ 73 tuổi. Trước khi mất Khổng Tử cảm thán "Chim phượng hoàng không bay đến, sông Hoàng Hà không xuất hiện đồ thư, một đời ta thế là hết.[27]". Mộ của ông ở bên bờ sông Tứ Thủy, cực Bắc nước Lỗ, nay gọi là Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khổng_Tử //nla.gov.au/anbd.aut-an35030509 http://eng.bandao.cn/newsdetail.asp?id=4644 http://ye2.mofcom.gov.cn/aarticle/chinanews/200606... http://www.china.org.cn/english/culture/171840.htm http://www.guoxue.com/shibu/24shi/hansu/hsu_067.ht... http://seedmagazine.com/content/article/inheriting... http://www.vietvwcs.com/Vietweb/JSP/Entertainment/... http://www.vietvwcs.com/Vietweb/JSP/Entertainment/... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... //www.getty.edu/vow/ULANFullDisplay?find=&role=&na...